Bệnh do não mô cầu: mức độ nguy hiểm và biện pháp phòng ngừa
Bệnh do Não mô cầu không phải hiếm gặp nhưng có thể đe dọa đến tính mạng và để lại nhiều di chứng nặng nề. Dù được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong vẫn dao động từ 5-15%1. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa sớm cho trẻ là cần thiết trong bối cảnh thời tiết phức tạp và nhiều bệnh dịch bùng phát như hiện nay.
1. Bệnh do não mô cầu là gì?
Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra2. Theo các chuyên gia y tế, não mô cầu nhóm huyết thanh B là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất của bệnh não mô cầu xâm lấn tại Việt Nam trong 15 năm qua3.
Hình 1. Vi khuẩn não mô cầu
(Nguồn: ASSET-2338126)
Não mô cầu có thể gây ra nhiều bệnh, trong đó viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là hai bệnh phổ biến và nghiêm trọng nhất. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì ở độ tuổi này, hệ thống miễn dịch vẫn chưa được phát triển hoàn thiện và miễn dịch thu được từ mẹ lại giảm2.
2. Mức độ nguy hiểm của bệnh não mô cầu?
Vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân, được chẩn đoán viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân nam Đ.V.D (38 tuổi) cho biết 2 người còn lại trong gia đình anh là vợ và con gái (22 tháng tuổi) cũng đã tử vong chỉ trong vòng 5 ngày với các triệu chứng tương tự. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân tử vong là do nhiễm não mô cầu4.
Thực tế, bệnh não mô cầu có diễn tiến rất nhanh và có thể dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ. Bệnh lại dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm vì các triệu chứng không đặc hiệu1,2. Kể cả khi được điều trị tích cực, trong số 100 người vẫn có 10-15 người tử vong2. Nếu sống sót, 1 trong số 5 người bệnh có thể gặp các di chứng lâu dài2,5:
- Sẹo da và cắt cụt chi: đây là 2 biến chứng thường gặp ở trẻ
- Tổn thương não và các vấn đề về thần kinh: như rối loạn hành vi, thay đổi tính khí, rối loạn học tập…
- Mất thính giác
- Đau kéo dài và tái đi tái lại
Hình 2: Cụt chi là biến chứng thường gặp do bệnh não mô cầu
(Nguồn: ASSET-1919412)
Đặc biệt, tại đơn vị Hồi sức cấp cứu nhi, ghi nhận nhiều ca nặng sau hồi phục gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần như Rối loạn sang chấn tâm lý hậu chấn thương (PTSD). Các vấn đề về cảm xúc và hành vi liên quan môi trường học đường, gia đình, xã hội cũng gia tăng. Tỷ lệ PTSD cũng được ghi nhận gia tăng ở người chăm sóc trẻ, cao nhất ở mẹ của trẻ và có thể kéo dài nhiều năm sau biến cố5.
3. Chủ động phòng ngừa não mô cầu hiệu quả
Do tính chất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao và di chứng lớn ảnh hưởng suốt đời của não mô cầu nhóm B trên từng ca bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần chủng ngừa não mô cầu sớm nhất cho trẻ, có thể từ 2 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống cũng nên được thực hiện. Nếu phát hiện con bạn có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bệnh Viêm Màng Não Do Não Mô Cầu. (n.d.). https://vncdc.gov.vn/benh-viem-mang-nao-do-nao-mo-cau-nd14520.html (Accessed 22/06/2024)
2. PinkBook: Meningococcal Disease | CDC. (n.d.-b). https://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/mening.html (Accessed 22/06/2024)
3. Báo Điện tử Chính phủ. (2024, June 13). Chủ động phòng bệnh viêm màng não mô cầu. baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/chu-dong-phong-benh-viem-mang-nao-mo-cau-102240613172118589.htm (Accessed 22/06/2024)
4. Báo Điện tử Chính phủ. (2024, June 12). Ghi nhận 2 ca mắc viêm màng não mô cầu trong cùng gia đình. baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/ghi-nhan-2-ca-mac-viem-mang-nao-mo-cau-trong-cung-gia-dinh-102240612132912173.htm (Accessed 22/06/2024)
5. Thompson MJ et al. Lancet 2006; 367:397–403.
6. World Health Organization (WHO), 2018. Meningococcal meningitis. Fact sheet https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/meningococcal-meningitis (Accessed May 2024)