Hiểu về tiêm chủng trọn đời
1. Tiêm chủng trọn đời là gì?
Tiêm chủng trọn đời là việc tiêm ngừa chủ động các loại vắc xin được khuyến nghị theo từng giai đoạn của cuộc đời. Từ lúc mới sinh đến tuổi già, tiêm chủng giúp chúng ta bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa bằng vắc xin1,2.
2. Tầm quan trọng của tiêm chủng trọn đời
Tiêm chủng trọn đời là cung cấp sự bảo vệ và các lợi ích sức khỏe đối với con người trong suốt cuộc đời họ, ở các giai đoạn và hoàn cảnh khác nhau. Điều này không chỉ hướng đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp duy trì sức khỏe tốt suốt cuộc đời, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Tác động của tiêm chủng trọn đời là rất to lớn và toàn diện trên mọi lĩnh vực: sức khỏe cá nhân, sức khỏe cộng đồng và kinh tế xã hội.3
Hình 1: Tiêm chủng trọn đời dành cho mọi độ tuổi
Nguồn: Freepik, Accessed 11th Jun 2024
3. Các vắc xin cần tiêm trong từng giai đoạn cuộc đời
3.1. Giai đoạn từ khi mới sinh đến 5 tuổi
Nguyên tắc cơ bản của tiêm chủng là bắt đầu sớm ngay từ khi còn nhỏ vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng cao hơn4,5.
Một số vắc xin được khuyến nghị cho trẻ ở nhóm tuổi này để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như sau:
- Bệnh lao: tiêm một lần cho trẻ, trong vòng 1 tháng sau sinh
- Viêm gan B
- Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (BH, HG, UV)
- Bệnh bại liệt
- Viêm màng não do Hib
- Bệnh tiêu chảy do rotavirus
- Bệnh do phế cầu khuẩn (viêm màng não, viêm phổi, và viêm tai giữa…)
- Bệnh do não mô cầu
- Bệnh sởi, quai bị, rubella và bệnh thủy đậu: tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi,
- Viêm não nhật bản: 3 liều, bắt đầu khi trẻ được 1 tuổi
- Bệnh cúm
- Viêm gan A
3.2. Giai đoạn vị thành niên (11 tuổi – 18 tuổi)
Khi trẻ lớn lên, tiêm chủng tiếp tục đóng vai trò quan trọng để bảo vệ sức khỏe vì6,7:
- Ở độ tuổi này, trẻ tích cực tham gia các hoạt động trong cộng đồng thông qua trường học, thể thao và các hoạt động khác. Những tương tác này làm tăng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh và một số yếu tố nguy cơ khác.
- Miễn dịch thu được khi tiêm vắc xin lúc nhỏ có thể giảm dần theo thời gian.
Một số vắc xin được khuyến nghị:
- Vắc xin viêm gan B
- Vắc xin sởi, quai bị, rubella (MMR)
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào giảm liều (Td/Tdap)
- Vắc xin thủy đậu
- Vắc xin ngừa HPV
- Vắc xin cúm
- Vắc xin não mô cầu
Hình 2: Tiêm chủng cho trẻ vị thành niên 11 tuổi - 18 tuổi
Nguồn: Freepik, Accessed 11th Jun 2024
3.3. Giai đoạn tiền hôn nhân
Việc tiêm chủng là cần thiết trước khi bước vào giai đoạn hôn nhân hoặc quyết định có con vì3:
- Một số bệnh truyền nhiễm xảy ra trong giai đoạn trước, trong thời kỳ mang thai có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.
- Miễn dịch thu được từ các mũi tiêm lúc nhỏ có thể giảm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và làm giảm nồng độ kháng thể truyền cho thai nhi.
- Nhiều loại vắc xin bị chống chỉ định trong giai đoạn mang thai.
Hình 3: Tiêm chủng cho giai đoạn tiền hôn nhân
Nguồn: Freepik, Accessed 11th Jun 2024
Một số loại vắc xin được khuyến nghị:
- Vắc xin sởi, quai bị, rubella (MMR)
- Vắc xin ngừa HPV
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào giảm liều (Td/Tdap)
- Vắc xin viêm gan B
- Vắc xin thủy đậu
- Vắc xin cúm mùa
3.4. Giai đoạn mang thai
Tiêm ngừa cho phụ nữ có thai trong giai đoạn thai kỳ là cần thiết vì3:
- Một số bệnh trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai nhi như sảy thai, thai chết lưu hoặc bị dị dạng bẩm sinh.
- Phụ nữ mang thai thường trẻ và ở giai đoạn miễn dịch thu được từ các mũi tiêm lúc nhỏ đã giảm. Vì vậy, họ có nguy cơ mắc bệnh và truyền cho con trong thời gian mới sinh
Hình 4: Tiêm chủng giai đoạn mang thai
Nguồn: Freepik, Accessed 11th Jun 2024
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào giảm liều (Td/Tdap)
- Vắc xin viêm gan B
- Vắc xin cúm mùa
Lưu ý:
- Không được tiêm vắc xin sống, giảm độc lực ở mọi giai đoạn của thai kỳ
- Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện tiêm chủng
3.5. Giai đoạn từ 19-60 tuổi
Người lớn cũng cần được tiêm chủng để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin vì3,8:
- Miễn dịch thu được từ các mũi tiêm lúc trẻ có thể giảm.
- Nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể ngừa được bằng vắc xin như:
- Tính chất công việc: như làm việc ở nơi đông đúc, tiếp xúc với người bệnh, hoặc mầm bệnh
- Lối sống: như thói quen hút thuốc lá hoặc uống rượu
- Tình trạng sức sức khỏe: mắc bệnh mạn tính như bệnh tim, phổi hoặc gan…
Một số loại vắc xin được khuyến nghị:
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào giảm liều (Td/Tdap)
- Vắc xin viêm gan B
- Vắc xin cúm mùa
- Vắc xin não mô cầu
- Vắc xin thủy đậu
- Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh khác do HPV
- Vắc xin viêm não Nhật Bản
3.6. Giai đoạn cao tuổi (trên 60 tuổi) hoặc mắc các bệnh mạn tính
Tiêm ngừa cho người lớn và người mắc các bệnh mạn tính là cần thiết vì3,8:
- Miễn dịch thu được từ các mũi tiêm lúc trẻ có thể giảm.
- Hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm dần theo tuổi tác hoặc do bệnh tật; Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc gặp biến chứng ở người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính.
- Nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể ngừa được bằng vắc xin như: tính chất công việc, lối sống, du lịch hoặc tình trạng sức sức khỏe.
Hình 5: Người lớn tuổi cũng cần được chủng ngừa (Nguồn: Freepik, Accessed 11th Jun 2024)
Một số loại vắc xin được khuyến nghị:
- Vắc xin cúm mùa
- Vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào giảm liều (Td/Tdap)
- Vắc xin phế cầu
- Vắc xin zona (giời leo)
- Vắc xin viêm gan B
Lưu ý: Các loại vắc xin khác có thể được khuyến nghị tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, công việc, lối sống hoặc kế hoạch du lịch của bạn. Hãy gặp bác sĩ để tìm hiểu và cập nhật các loại vắc xin cần thiết cho bạn.
Tài liệu tham khảo:
1. Philip RK et al. Expert Rev Vaccines 2018;17:851–864
2. World Health Organization (WHO), 2020. Ageing: healthy ageing and functional ability. https://www.who.int/news-room/q-a-detail/ageing-healthy-ageing-and-functional-ability (Accessed May 2024)
3. Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam. (2023). Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam (2nd ed.). Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
4. Danh mục bệnh truyền nhiễm và vắc xin bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (hcdc.vn) accessed 15/04/2024
5. Vaccine Schedule for Children 6 Years or Younger | CDC (Accessed May 2024)
6. Vaccine Schedule for Children, 7 to 18 Years Old | CDC (Accessed May 2024)
7. Immunizations for Children and Teens (sandiegocounty.gov) (Accessed May 2024)
8. Recommended vaccines for adults. (2023, September 8). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/vaccines/adults/rec-vac/index.html (Accessed May 2024)