Vì sao mẹ không được quên chủng ngừa cho con trong giai đoạn từ 6 tuần tuổi?
1. Tổng quan
Sau khi chào đời, trẻ chưa có hệ miễn dịch hoàn thiện. Vì thế, để có sức đề kháng tốt, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phụ huynh đừng quên chủng ngừa cho trẻ ngay từ giai đoạn 6 tuần tuổi.
Không giống người lớn, khi mới chào đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện nhưng bắt đầu tiếp xúc và thích nghi với một môi trường hoàn toàn xa lạ từ nhiệt độ, môi trường, khí hậu, bụi, vi sinh vật gây bệnh…, khiến trẻ dễ bị lây nhiễm những bệnh nguy hiểm như: ho gà, bạch hầu, bại liệt, viêm màng não mủ (Hib), tiêu chảy (vi rút rota), các bệnh nhiễm do vi khuẩn phế cầu.
Khi trẻ mắc bệnh nhưng không được điều trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng nghiêm trọng như: viêm phổi, suy hô hấp, chậm phát triển não bộ, thậm chí có thể gây tử vong.
Khi chào đời, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện, do đó bảo vệ bằng chủng ngừa rất quan trọng, nhất là trong những tháng đầu đời.
2. Các bệnh và biến chứng nguy hiểm trẻ có thể gặp phải trong những tháng đầu đời
2.1. Bệnh bạch hầu: Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong ở trẻ em, đặc biệt phổ biến ở trẻ chưa được chủng ngừa. Khi mắc bệnh, trẻ thường có các triệu chứng như viêm họng, mũi, thanh quản và khám thấy giả mạc… nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng nặng nề như viêm cơ tim, tê liệt thần kinh…1
2.2. Bệnh bại liệt: Có đến khoảng 95% trẻ nhiễm vi rút bại liệt không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho trẻ như tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong khi không được điều trị kịp thời2
2.3. Bệnh ho gà: Bệnh đặc biệt nguy hiểm vì dễ lây lan qua đường không khí, tiếp xúc. Các triệu chứng như ho kéo dài, khó ăn uống cũng như gây trở ngại trong quá trình thở. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi, tổn thương não, hậu quả có thể gây thiểu năng, ngưng thở và tử vong3.
2.4. Tiêu chảy do Rotavirus: Đây là một trong những thủ phạm chính gây tiêu chảy nặng, nhập viện thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ. Trẻ bị tiêu chảy cấp do rotavirus có tỷ lệ nhập viện cao gấp ba lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do rotavirus4. Khi mắc tiêu chảy, trẻ sẽ có những biểu hiện nôn ói, đi ngoài nhiều lần, mất nước, đau bụng, sốt… Khi tiêu chảy kéo dài, trẻ bị mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng và có thể dẫn đến tử vong.
2.5. Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn phế cầu: Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi luôn là đối tượng dễ bị vi khuẩn phế cầu tấn công và có nguy cơ mắc bệnh cao. Các bệnh này thường lây qua đường hô hấp hay do tiếp xúc, va chạm với người nhiễm bệnh. Khi mắc viêm màng não do phế cầu, trẻ rất dễ bị tổn thương dây thần kinh sọ não, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não, gây tắc nghẽn dịch não tủy, chậm phát triển trí tuệ...5
Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của các căn bệnh nói trên là các phụ huynh cần tư vấn bác sĩ từ sớm để cho trẻ chủng ngừa đúng thời điểm.
3. Lợi ích của việc chủng ngừa đúng thời điểm vàng
Khi chào đời, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện, do đó bảo vệ bằng chủng ngừa rất quan trọng, nhất là trong những tháng đầu đời.
Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Các chuyên gia y tế khuyên rằng việc chủng ngừa sớm, đúng thời điểm cho trẻ trong giai đoạn từ 6 tuần tuổi hiện vẫn là một trong những biện pháp đơn giản và tối ưu mà cha mẹ cần ghi nhớ để giúp con trẻ phòng tránh bệnh. Nếu được chủng ngừa sớm vào thời điểm từ 6 tuần tuổi, cơ thể trẻ sẽ tạo được miễn dịch hoàn chỉnh chống lại virus hay vi khuẩn gây bệnh trước khi bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh: khi trẻ bắt đầu ăn dặm, khám phá môi trường xung quanh bằng cách bò toài, cầm nắm, đưa vật lạ vào miệng...
Việc chủng ngừa các vắc xin phù hợp ở giai đoạn này đem lại những lợi ích sau:
- Xây dựng nền móng đề kháng vững chắc giúp trẻ phát triển tốt sau này
- Giảm mũi tiêm, giảm thời gian đi lại, giảm số lần đau cho bé khi có các mũi tiêm phòng ngừa đến 6 bệnh trong một mũi tiêm.
- Tiết kiệm chi phí và thời gian
Từ những thông tin bổ ích trên, mong rằng các bậc phụ huynh sẽ tiếp thêm kiến thức về chủng ngừa đúng thời điểm và đầy đủ cho con.
Nguồn tham khảo:
1. World Health Organization: WHO. (2024d, April 9). Diphtheria. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diphtheria (Accessed 13/06/2024)
2. Wolbert JG, Rajnik M, Higginbotham K. Poliomyelitis. [Updated 2024 Jan 24]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK558944/
3. About whooping cough. (2024, April 2). Pertussis (Whooping Cough). https://www.cdc.gov/pertussis/about/ (Accessed 13/06/2024)
4. Tu HA, Rozenbaum MH, Coyte PC, Li SC, Woerdenbag HJ, Postma MJ. Health economics of rotavirus immunization in Vietnam: potentials for favorable cost-effectiveness in developing countries. Vaccine. 2012;30(8):1521-1528. doi: 10.1016/j.vaccine.2011.11.052
5. About pneumococcal disease. (2024, February 6). Pneumococcal Disease. https://www.cdc.gov/pneumococcal/about/ (Accessed 13/06/2024)