Mục đích chủng ngừa là làm giảm tỷ lệ bệnh và tử vong 1,2,3

1. WHO Wkly Epidemiol Rec 2007; 82: 51–60;

2. WHO Wkly Epidemiol Rec 2011; 86: 301–16;

3. WHO Wkly Epidemiol Rec 2009; 84: 349–60;

Vì sao người lớn cần được chủng ngừa vắc xin?

Chủng ngừa không chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ. Người lớn cũng cần được chủng ngừa và bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Hãy cùng tiemngua.com tìm hiểu tầm quan trọng của việc chủng ngừa đối với người lớn và những lợi ích mà vắc xin mang lại cho bạn và những người xung quanh!

1. Người lớn cũng có nguy cơ mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin

Không chỉ riêng trẻ em, người lớn cũng đứng trước nguy cơ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin như bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, cúm, …1

 

Ở người lớn, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và gặp các biến chứng như:

 
  • Sức đề kháng suy giảm: hệ thông miễn dịch của người lớn suy yếu dần theo độ tuổi, đặt ta vào nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm như cúm, phế cầu2,3.
 
  • Bệnh lý nền: như tiểu đường, bệnh phổi, bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và gặp các biến chứng nghiêm trọng của bệnh4.
 
  • Lối sống không lành mạnh: hút thuốc lá, uống rượu hoặc thiếu vận động5.
 
  • Môi trường làm việc: Môi trường làm việc có thể tiềm ẩn các tác nhân gây bệnh, đặc biệt khi bạn làm việc trực tiếp với người bệnh, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người6.
 

Hình 1. Người lớn được bác sĩ tư vấn chủng ngừa
Nguồn: Freepik, Accessed 11th Jun 2024

 

Vì vậy, việc cập nhật chủng ngừa là cần thiết để đảm bảo bạn đã tiêm đủ liều vắc xin được khuyến nghị. Tìm hiểu: Vắc xin nào cần cho bạn?

2. Vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe của bạn

Vắc xin giúp cơ thể bạn tạo ra kháng thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Từ đó, bảo vệ sức khỏe của bạn và tránh lây bệnh cho những người khác trong cộng đồng1.

 

Hình 2. Người cao tuổi sau khi chủng ngừa vắc xin
Nguồn: Freepik, Accessed 11th Jun 2024

 

Đại dịch COVID-19 là minh chứng rõ nét cho vai trò của vắc xin và tiêm chủng người lớn trong việc làm giảm sự lây nhiễm và tỉ lệ tử vong. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có hơn 14 triệu người được cứu sống nhờ vắc xin COVID-19 trong năm 20217.

 

Đồng thời, những vắc xin bạn tiêm lúc nhỏ có thể mất dần tác dụng theo thời gian. Vì thế, việc cập nhật những mũi tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của nhà sản xuất là cần thiết để giúp tác dụng bảo vệ được bền vững1.

3. Vắc xin bảo vệ sức khỏe gia đình và những người xung quanh bạn

Vắc xin không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh tật mà còn bảo vệ gia đình bạn và những người xung quanh, đặc biệt là những người có nguy có cao mắc bệnh nặng và các biến chứng nghiêm trọng (như cúm, phế cầu hoặc ho gà…) như ở người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ1

 

Ví dụ, bệnh ho gà có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, vắc xin phòng bệnh này chỉ được tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Vì thế, việc chủng ngừa ho gà cho phụ nữ mang thai không chỉ giúp bảo vệ người mẹ mà còn giúp truyền miễn dịch thụ động cho bé và bảo vệ bé trong thời gian này8.

 

Hình 3. Chủng ngừa là cần thiết cho mọi lứa tuổi
Nguồn: Freepik, Accessed 11th Jun 2024

 

Người cao tuổi cũng có nguy cơ gặp biến chứng hơn nếu mắc bệnh do hệ thống miễn dịch không còn hoạt động tốt. Người cao tuổi trên 65 dễ mắc viêm phổi do cúm hoặc do phế cầu khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, nhập viện và đe dọa đến tính mạng9,10.

4. Vắc xin bạn nhận được là an toàn

Mọi vắc xin trước khi được cấp phép sử dụng đều trải qua các quy trình thử nghiệm và đánh giá nghiêm ngặt. Sau khi lưu hành trên thị trường, việc đảm bảo an toàn vắc xin luôn được thực hiện thông qua các giám sát và nghiên cứu.1

 

Hầu hết các tác dụng phụ của vắc xin, nếu có, thường nhẹ và xảy ra sau tiêm. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể hoặc mẩn đỏ, sưng tấy và đau nhức tại chỗ tiêm. Các phản ứng này thường tự hết trong vài ngày. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài là cực kỳ hiếm.1

5. Một số trường hợp tiêm vắc xin là bắt buộc

Những người khi đi học, đi làm, du lịch, quân nhân hoặc sống trong các trung tâm chăm sóc phục hồi chức năng cần được chủng ngừa để tránh các bệnh lây lan trong cộng đồng. Nhân viên y tế cũng cần tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và những người xung quanh họ. Đặc biệt, tiêm ngừa là việc cần thiết trước khi du lịch, du học hoặc định cư nước ngoài. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe của bạn trước các bệnh dịch đang lưu hành và là quy định bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh tại một số quốc gia1

 

Tài liệu tham khảo
1.    Adult vaccination - Reasons to vaccinate. (2022, September 22). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/vaccines/adults/reasons-to-vaccinate.html (Accessed on 24 April 2024)
2.    Simon AK et al. Proc Biol Sci 2015;282:2014–3085
3.    Liu BC et al. Clin Infect Dis 2012;55:1450–1456
4.    De Sarro C, Papadopoli R, Morgante MC, Nobile CGA, De Sarro G, Pileggi C. Vaccinations Status against Vaccine-Preventable Diseases and Willingness to Be Vaccinated in an Italian Sample of Frail Subjects. Vaccines (Basel). 2022 Aug 14;10(8):1311. doi: 10.3390/vaccines10081311. PMID: 36016199; PMCID: PMC9415941.
5.    Arcavi L, Benowitz NL. Cigarette Smoking and Infection. Arch Intern Med. 2004;164(20):2206–2216. doi:10.1001/archinte.164.20.2206
6.    Durando P, Dini G, Massa E, La Torre G. Tackling Biological Risk in the Workplace: Updates and Prospects Regarding Vaccinations for Subjects at Risk of Occupational Exposure in Italy. Vaccines (Basel). 2019 Oct 8;7(4):141. doi: 10.3390/vaccines7040141. PMID: 31597371; PMCID: PMC6963441. 
7.    COVID-19 vaccines advice. (2022, August 18). https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/covid-19-vaccines/advice (Accessed 23/05/2024)
8.    Vaccinate pregnant patients to protect against pertussis | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/pertussis/pregnant/hcp/pregnant-patients.html (Accessed on 24 April 2024)
9.    Key facts about Influenza (FLU). (2024, March 22). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/flu/about/keyfacts.htm (Accessed on 24 April 2024)
10.    PinkBook: Pneumococcal Disease | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/pneumo.html (Accessed on 24 April 2024)

Code: NP-VN-AVU-WCNT-240005 ADD: 07/2024

Tiêm chủng cần cho bạn Lịch tiêm ngừa Địa điểm tiêm ngừa