Bạch hầu
1. Bệnh bạch hầu là gì?
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em chưa được chủng ngừa.
Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra các độc tố, gây khó nuốt và khó thở. Trong những trường hợp nặng, các độc tố cũng có thể gây tổn thương cho hệ thần kinh và tim mạch, một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Tiêm ngừa là biện pháp tốt nhất để tránh bị nhiễm và lây lan bệnh bạch hầu. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu thông tin về việc chủng ngừa và bảo vệ trẻ!
Hình 1: Vi khuẩn Corynebacterium diphtheria (Nguồn từ http://phil.cdc.gov)
2. Bệnh bạch hầu có lây không?
Vi khuẩn bạch hầu có thể lây qua giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua vết thương hở trên da hoặc khi tiếp xúc gián tiếp với đồ vật có dính chất tiết, giọt bắn của người bệnh.
Người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thể phát tán nguồn bệnh trong thời gian lên đến 4 tuần. Một số người khác bị nhiễm virus bạch hầu nhưng không xuất hiện triệu chứng gì được gọi là người lành mang trùng. Người lành mang trùng cũng có khả năng phát tán nguồn bệnh trong thời gian trên 4 tuần.
3. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu bao gồm:
- Tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu
- Chưa được tiêm phòng vắc xin
- Chưa được tiêm phòng và có vấn đề về miễn dịch
- Chưa được tiêm phòng và du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu.
Những đối tượng khác cũng có thể có nguy cơ nhiễm bạch hầu. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ về trường hợp của bạn.
4. Triệu chứng bệnh bạch hầu
Hình 2: Triệu chứng bệnh bạch hầu
Triệu chứng bệnh bạch hầu thường xuất hiện sau khi nhiễm vi khuẩn 2 đến 5 ngày.
Các triệu chứng bệnh có thể khác nhau ở từng trẻ, bao gồm:
- Khởi phát bằng sốt nhẹ, đau họng, khó nuốt, mệt mỏi toàn thân và giảm vị giác.
- Trong vòng 2 đến 3 ngày, xuất hiện những mảng bám màu xám, dày, giống thịt ở vùng hầu họng, và có thể chảy máu nếu như cố gỡ ra.
Hình 3: Mảng bám xám, dày ở vùng hầu họng là biểu hiện của bệnh bạch hầu
Các triệu chứng của bệnh bạch hầu da thường nhẹ hơn nhưng mạn tính, biểu hiện như một vết loét không lành với màng xám bẩn.
5. Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?
Bạch hầu có một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến những vấn đề nặng nề hơn như ngạt thở, thương tổn tim, suy thận, và thương tổn thần kinh. Cứ 20 trường hợp thì có 1-2 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu và tỷ lệ còn cao hơn ở trẻ nhỏ.
6. Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ
Vắc xin bạch hầu là một loại vắc xin được khuyến cáo sử dụng thường quy trong chương trình tiêm chủng dành cho trẻ em. Trẻ cần thiết phải hoàn thành đầy đủ liệu trình tiêm chủng được khuyến cáo để ngăn ngừa sự lây nhiễm và duy trì tình trạng miễn dịch. Các khuyến cáo về tiêm vắc xin bạch hầu có khác nhau giữa các quốc gia.
Vắc xin bạch hầu được cung cấp dưới dạng vắc xin phối hợp nhằm giúp ngăn ngừa thêm các bệnh lý khác trong cùng 1 mũi tiêm, giúp giảm số mũi tiêm, giảm đau cho trẻ.
Tại Việt Nam, vắc xin bạch hầu được khuyến cáo cho tất cả trẻ nhỏ, 3 liều cơ bản lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng và 1 liều nhắc lại lúc trẻ được 18 tháng.
Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm vắc xin. Vui lòng thảo luận với nhân viên Y tế của bạn về những vấn đề bạn quan tâm và thông báo cho họ biết nếu bạn hoặc người thân của bạn xuất hiện các triệu chứng của các tác dụng phụ vì trong nhiều trường hợp có thể phải cần điều trị.
Thông tin tham khảo:
1. Australian Government Department of Health and ageing, The Australian Immunisation Handbook, 10th edition, 2013, pp.182-190
http://www.health.gov.au/internet/immunise/publishing.nsf/Content/Handbook10-home (Accessed on 06/2013)
2. Diphtheria | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/diphtheria/index.html (Accessed on 29th March 2024)
3. World Health Organization: WHO. (2023, November 20). Diphtheria. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diphtheria (Accessed on 29th March 2024)
4. Diphtheria in children. (n.d.). Stanford Medicine Children’s Health. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=diphtheria-in-children-90-P02511 (Accessed on 29th March 2024)