Hiểu về bệnh

để chủ động phòng ngừa hiệu quả

Mục đích chủng ngừa là làm giảm tỷ lệ bệnh và tử vong 1,2,3

1. WHO Wkly Epidemiol Rec 2007; 82: 51–60;

2. WHO Wkly Epidemiol Rec 2011; 86: 301–16;

3. WHO Wkly Epidemiol Rec 2009; 84: 349–60;

Viêm gan B

1. Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus viêm gan B (hepatitis B virus) gây ra1. Viêm gan siêu vi B là nguyên nhân của khoảng 80% ung thư gan nguyên phát2.

 

Hình 1: Virus viêm gan B (hepatitis B virus)

 

Bệnh có hai giai đoạn: cấp tính và mạn tính. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ thì nguy cơ mắc viêm gan mạn tính càng cao1. Khoảng 90% trẻ nhiễm virus viêm gan B lúc sơ sanh sẽ trở thành người viêm gan B mạn tính. Tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 5-10% khi trẻ trên 5 tuổi nhiễm virus viêm gan B3.  Do đó, chiến lược của thế giới và Việt Nam là tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sanh nhằm ngăn chận tỉ lệ phát triển viêm gan B mạn tính1

 

Hiện tại, chưa có cách trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Vì vậy, hãy tìm hiểu thông tin và chủ động phòng ngừa cho trẻ khỏi viêm gan B bằng việc tiêm ngừa.

2. Viêm gan B có lây không? Lây như thế nào?

Viêm gan B là bệnh có khả năng lây nhiễm cao gấp 100 lần so với virus HIV gây bệnh AIDS4. Trong đó, có 3 con đường lây nhiễm viêm gan B:

 
  • Lây truyền từ mẹ sang con: người mẹ mắc viêm gan B có thể truyền virus sang cho con, ngay cả khi không có triệu chứng, con của họ có nguy cơ rất cao bị nhiễm bệnh khi sinh hoặc ngay sau đó. Em bé cần được tiêm huyết thanh miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) và liều vắc xin viêm gan B đầu tiên ngay sau khi sinh.
 

Hình 2: Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con (Nguồn: Freepik, Access 11th June 2024)

 
  • Lây qua đường máu và dịch tiết cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo): một số tình huống có thể lây nhiễm viêm gan B như dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ y khoa có nhiễm máu người bệnh; dùng chung đồ vật cá nhân (bàn chải, dao cạo râu); tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở người bệnh
  • Lây qua đường tình dục: quan hệ tình dục không an toàn bất kể đồng giới hay khác giới.
 

Virus viêm gan B không lây qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn, và không thể lây qua tiếp xúc thường quy (hắt hơi, ho, ôm hôn)

3. Ai có nguy cơ cao bị nhiễm viêm gan B?

Những người có nguy cơ cao bị nhiễm virus viêm gan B bao gồm1:

 
  • Trẻ được sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B
  • Có người thân hoặc tiếp xúc thường xuyên với những người đã bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B
  • Có thương tổn hoặc bệnh lý cần điều trị xâm nhập (ví dụ như tiêm truyền tĩnh mạch, truyền máu, khâu, phẫu thuật)
  • Người được ghép tạng hoặc có hệ miễn dịch bị suy yếu
  • Khách du lịch đi đến các quốc gia có tỷ lệ lưu hành viêm gan siêu vi B cao.
  • Người làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe thường tiếp xúc với máu

4. Các triệu chứng của viêm gan B

Phần lớn trẻ em bị nhiễm viêm gan B cấp tính không có triệu chứng. Vì vậy, bố mẹ thường không biết con mình đã mắc bệnh. Theo thời gian, tổn thương gan càng tăng, các triệu chứng có thể xuất hiện1:

 
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn
  • Đau cơ/ khớp
  • Ban ngoài da
  • Vàng da
  • Nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu

5. Viêm gan B có thể gây ra ảnh hưởng như thế nào?

Hình 3: Viêm gan B là một bệnh lây nhiễm nghiêm trọng

 

Viêm gan B là một bệnh lây nhiễm nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn mạn tính. Qua thời gian, virus gây tổn thương gan và có thể dẫn đến các biến chứng xơ gan, suy gan và ung thư gan hoặc thậm chí gây tử vong.1

 
  • Trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B có nguy cơ rất cao tiến triển thành bệnh mạn tính. Cứ 10 trẻ mắc bệnh thì có 9 trẻ sẽ phát triển viêm gan mạn tính suốt đời. Vì vậy, việc phòng ngừa cho trẻ là vô cùng cần thiết. 
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các yếu tố nguy cơ và việc dự phòng cho con bạn.

6. Cách phòng ngừa viêm gan B ở trẻ

Hiện nay, chưa có cách chữa khỏi bệnh viêm gan B. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ.5a

 
  • Tại Việt Nam, vắc xin viêm gan B được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
  • Liều đầu tiên tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh 
  • 2 hoặc 3 liều tiếp theo với khoảng cách tối thiểu 4 tuần
  • Vắc xin viêm gan B có thể dùng ở dạng vắc xin phối hợp giúp phòng ngừa thêm các bệnh lý khác trong cùng 1 mũi tiêm để giảm đau, giảm số lần tiêm cho trẻ (như vắc xin 5 trong 1; hoặc 6 trong 1)
 

Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm vắc xin. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề bạn đang quan tâm và thông báo cho họ biết nếu bạn hoặc người thân của bạn xuất hiện các tác dụng phụ.

 

Cần tư vấn trung tâm tiêm chủng để có lịch chủng ngừa phù hợp cho trẻ

 

Thông tin tham khảo:
1. Hepatitis B FAQs | CDC. (2022b, March 30). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/bfaq.htm (Accessed May 2024)
2. El-Serag HB. Epidemiology of viral hepatitis and hepatocellular carcinoma. Gastroenterology. 2012 May;142(6):1264-1273.e1. doi: 10.1053/j.gastro.2011.12.061. PMID: 22537432; PMCID: PMC3338949.
3. Hepatitis: Preventing mother-to-child transmission of the hepatitis B virus. (2023, July 20). https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/hepatitis-preventing-mother-to-child-transmission-of-the-hepatitis-b-virus (Accessed May 2024)
4. Hepatitis: How can I protect myself from hepatitis B? (2023d, July 20). https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/hepatitis-b-how-can-i-protect-myself (Accessed May 2024)
5. Hội Y học Dự Phòng Việt Nam. (2023). Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổiở Việt Nam (2nd ed.). Nhà xuất bản Y học.

 

Code: NP-VN-PVU-WCNT-240013 ADD 07/2024

Tiêm chủng cần cho bạn Lịch tiêm ngừa Địa điểm tiêm ngừa