Não mô cầu
1. Bệnh do não mô cầu là gì?
Hình 1: Vi khuẩn não mô cầu nhóm B
(Nguồn: ASSET-2338126, Accessed 8th May 2024)
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi và thanh thiếu niên từ 15 – 24 tuổi. Bên cạnh đó, những người có hệ miễn dịch kém cũng dễ mắc bệnh này.
Đây là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng lâu dài (di chứng). Vì vậy, hãy chủ động tìm hiểu thông tin về bệnh và việc phòng ngừa cho trẻ trước căn bệnh này!1
2. Bệnh do não mô cầu lây truyền như thế nào? 1,2
Bệnh do não mô cầu rất dễ lây lan và theo nhiều đường khác nhau, bao gồm:
- Lây trực tiếp qua đường hô hấp:
Người bệnh khi ho hoặc hắt hơi sẽ phát tán đàm, dịch mũi họng chứa đầy vi khuẩn. Người lành khi tiếp xúc gần (trong phòng kín, nói chuyện, dùng chung đồ đạc cá nhân…) sẽ hít phải các giọt bắn này vì bị nhiễm bệnh.
- Lây gián tiếp qua vật dụng, đồ đạc
Vi khuẩn não mô cầu có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường. Chúng có thể bám dính trên bề mặt đồ vật từ người bệnh. Nếu chạm vào bề mặt này rồi đưa tay lên mũi, miệng sẽ bị nhiễm bệnh.
- Lây qua đường máu
Đây là đường lây ít gặp hơn, nhưng rất nguy hiểm. Xảy ra khi dùng chung kim tiêm, ống thông của người bệnh hoặc khi truyền máu bị nhiễm bệnh.
3. Triệu chứng của bệnh do não mô cầu 3
Thời kì ủ bệnh trung bình là 4-10 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn.
Triệu chứng viêm màng não do não mô cầu thường xảy ra đột ngột với các triệu chứng khác nhau theo tình trạng:
- Tình trạng nhiễm trùng: sốt cao, rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu.
- Dấu hiệu màng não, não:
- Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, táo bón, cứng gáy, trẻ nhỏ có thể nôn, tiêu chảy, thốp phồng và cổ mềm.
- Giảm tri giác ở nhiều mức độ: u ám, li bì, hôn mê.
- Ở trẻ nhỏ có thể quấy khóc, kích thích, kém tương tác cha mẹ, người thân, li bì, hôn mê.
- Ban xuất huyết hoại tử hình sao, xuất hiện sớm, lan nhanh, thường hai chi dưới.
Khi trẻ rơi vào thể tối cấp tức là có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Trẻ có thể nhanh chóng vào tình trạng sốc với các biến chứng nguy hiểm như suy thượng thận, suy đa tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24 giờ.
4. Biến chứng của bệnh do não mô cầu
Bệnh do não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại nhiều biến chứng, di chứng nghiêm trọng2:
Hình 2: Sẹo da là biến chứng thường gặp nhất ở trẻ
- Sẹo da và đoạn chi: Đây là hai biến chứng thường gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ em
- Khiếm khuyết/ di chứng thần kinh: Trẻ có thể gặp phải hàng loạt các khuyết tật như co cứng cơ, tổn thương não, rối loạn hành vi, thay đổi tính tình, co giật, rối loạn học tập, liệt dây thần kinh sọ não, tồn tại dấu thần kinh khu trú...
- Mất/ suy giảm thính lực, thị lực: Giảm/ mất thính lực thường xuất hiện ở cả hai tai và có thể thay đổi theo độ tuổi.
- Đau mạn tính: sau khi điều trị qua đợt cấp, người bệnh có thể mắc các cơn đau tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hoạt động hằng ngày. Nguyên nhân có thể liên quan đến biến chứng như sẹo da, hay do đoạn chi.
- Rối loạn sang chấn tâm lý hậu chấn thương (PTSD) và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác:
PTSD thường gặp nhiều trong các ca nặng điều trị tại đơn vị Hồi sức cấp cứu nhi. Trẻ hồi phục sau đợt bệnh do não mô cầu xâm lấn gia tăng đáng kể các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
- Tổn thương thận: sau diễn biến suy thận cấp trong giai đoạn tiến triển của bệnh, có những ca trẻ không hồi phục được chức năng thận. Thay vào đó, trẻ tiếp tục bị rối loạn diễn tiến dần đến suy thận mạn, một số trường hợp đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
5. Cách phòng ngừa bệnh do não mô cầu 4
Hiện nay, tiêm ngừa vắc xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm mang tên não mô cầu. Hãy hỏi bác sĩ để tìm hiểu thêm về việc phòng ngừa viêm não mô cầu cho trẻ.
Các loại vắc xin não mô cầu cộng hợp hiện nay:
- Vắc xin não mô cầu tứ giá cộng hợp (Quadrivalent Meningococcal Conjugate Vaccines)
- MenACWY-D
- MenACWY-CRM
- MenACWY-TT
- Vắc xin não mô cầu nhóm B (Serogroup B Meningococcal Vaccines)
- 4CMenB
- MenB-FHbp
Bên cạnh việc chủ động tiêm ngừa, các biện pháp dự phòng như giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống cũng nên được thực hiện như:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Vệ sinh thông thoáng sạch sẽ nhà ở, nhà trẻ, trường học
- Tìm hiểu những thông tin cần thiết về bệnh não mô cầu như triệu chứng và cách chống lây nhiễm
- Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y Tế. Quyết định 3897/QĐ-BYT. Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do não mô cầu: ban hành 12/10/2012.
2. Thompson MJ, Ninis N, Perera R, et al. Clinical recognition of meningococcal disease in children and adolescents. Lancet 2006; 367:397.
3. Bacterial meningitis | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/meningitis/bacterial.html#symptoms (Accessed May 2024)
4. Usa Thisyakorn, Josefina Carlos, Tawee Chotpitayasunondh, Tran M. Dien et al. Invasive meningococcal disease in Malaysia, Philippines, Thailand, and Vietnam: An Asia-Pacific expert group perspective on current epidemiology and vaccination policies. Human Vaccins and Immunotherapeutics. 2022; 18(6): 2110759.