Uốn ván
1. Bệnh uốn ván là gì? 1
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra. Bệnh lây qua vết thương, vết trầy xước trên da khi tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn uốn ván và không lây nhiễm từ người sang người.
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh uốn ván, tuy nhiên căn bệnh này đặc biệt phổ biến và nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai chưa được tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng uốn ván.
Vì vậy, việc tiêm ngừa uốn ván cho trẻ sơ sinh và trẻ tiền học đường là vô cùng cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn về việc tiêm ngừa uốn ván cho con bạn!
Hình 1: Vi khuẩn Clostridium tetani
(Nguồn từ http://phil.cdc.gov)
2. Bệnh uốn ván lây truyền qua đường nào? 2,3
Uốn ván lây truyền vào cơ thể thông qua các thương tổn trên da hoặc vết thương hở. Các vết thương dễ dẫn đến nhiễm uốn ván bao gồm:
- Vết cắt, vết trầy xước hoặc vết loét trên da
- Vết cắn của động vật
- Bỏng
Vi khuẩn uốn ván có ở khắp nơi trong môi trường, như là trong đất, trên bề mặt da và các dụng cụ gỉ sét như đinh, kim, dây thép gai. Đặc biệt, nha bào có thể tồn tại nhiều năm và có khả năng chịu nhiệt tốt.
Hình 2: Sơ đồ thể hiện quá trình phát triển và lây truyền của vi khuẩn uốn ván
Bệnh uốn ván không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
3. Triệu chứng bệnh uốn ván? 1
Triệu chứng uốn ván thường xuất hiện sau 3 đến 21 ngày sau nhiễm khuẩn. Hầu hết các trường hợp xuất hiện trong vòng 10 ngày sau nhiễm khuẩn. Các triệu chứng bao gồm:
- Khó mở miệng (cứng hàm)
- Khó nuốt
- Cứng và đau ở vùng cổ, vùng vai và các cơ ở sau lưng.
- Các triệu chứng khác có thể bao gồm co thắt cơ gây đau, khó thở và khó nói chuyện.
- Các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp, tăng huyết áp, hạ huyết áp hoặc suy tim.
4. Uốn ván sơ sinh là gì? 4
Uốn ván sơ sinh là một dạng uốn ván xảy ra ở trẻ mới sinh với tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 80% số ca mắc. Bệnh có thể xảy ra khi nha bào uốn ván xâm nhập vào cuốn rốn do dùng các dụng cụ không vô trùng để cắt dây rốn hoặc trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. Các ca sinh sản được thực hiện trong điều kiện không vô trùng (tay hoặc bề mặt bị nhiễm khuẩn) cũng là nguy cơ gây uốn ván sơ sinh.
Hình 3: Uốn ván sơ sinh (Nguồn: Freepik, Accessed 11th June 2024)
5. Cách phòng ngừa bệnh uốn ván 3
Vắc xin ngừa uốn ván có trong thành phần của vắc xin kết hợp (5 trong 1, hoặc 6 trong 1).
Trẻ cần tiêm 3 mũi vắc xin kết hợp có uốn ván lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Liều thứ 4 được đề nghị từ 15-18 tháng tuổi. Đến tuổi đi học (4-6 tuổi), sẽ được chỉ định vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (TdaP) liều thứ 5.
Điều quan trọng là trẻ cần được tiêm đầy đủ liệu trình vắc xin uốn ván đúng thời gian để duy trì tình trạng miễn dịch chống lại bệnh. Cần được tư vấn từ bác sĩ, hoặc CBYT tại trung tâm tiêm chủng để có lịch chủng ngừa và vắc xin phù hợp.
Hình 4: Chủng ngừa là uốn ván ở trẻ (Nguồn: Freepik, Accessed 07/2024)
Tài liệu tham khảo
1. World Health Organization: WHO. (2023b, August 24). Tetanus. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/tetanus (Accessed May 2024) 2.Tetanus causes and how it spreads | CDC. (n.d.-b). https://www.cdc.gov/tetanus/about/causes-transmission.html (Accessed May 2024)
3. Hội Y học Dự Phòng Việt Nam. (2023). Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam (2nd ed.). Nhà xuất bản Y học.
4. BỆNH UỐN VÁN. (2016, July 6). Cục Y Tế Dự Phòng Việt Nam. https://vncdc.gov.vn/benh-uon-van-nd14517.html (Accessed May 2024)