Bại liệt
1. Bệnh bại liệt là gì?
Bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus bại liệt (Polio virus) gây ra. Các triệu chứng bệnh bại liệt có thể từ nhẹ giống bệnh cúm đến nặng như liệt tay, chân hoặc cơ hoành (cơ có vai trò điều khiển hoạt động thở). Bệnh có thể để lại các di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng.
Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và bị ảnh hưởng nặng hơn bởi bệnh bại liệt. Hiện nay, bệnh bại liệt không chữa được. Vì vậy, chủng ngừa vắc xin phòng bệnh bại liệt là cách duy nhất để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
2. Nguyên nhân gây bệnh bại liệt
Virus bại liệt (Polio virus) là nguyên nhân gây bệnh bại liệt. Khi mắc bệnh, virus tồn tại trong cổ họng và ruột.
Bệnh bại liệt rất dễ lây lan. Bệnh lây truyền qua đường phân-miệng, tức là qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm virus từ người bệnh. Hiếm gặp hơn, bệnh có thể lây truyền khi tiếp xúc với nước bọt của người nhiễm bệnh, như hôn hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống.
3. Những ai có nguy cơ bị nhiễm bệnh?
Đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm virus bại liệt là:
- Người chưa được chủng ngừa vắc xin phòng bệnh bại liệt
- Trẻ em dưới 5 tuổi
- Người có tiếp xúc gần với người mắc bệnh
- Sống hoặc du lịch đến vùng có dịch tễ bại liệt
4. Dấu hiệu bệnh bại liệt ở trẻ em
Triệu chứng bệnh bại liệt có thể khác nhau tùy thuộc vào thể, bao gồm:
- Thể liệt mềm cấp điển hình:
- Đau họng, sốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, đau cơ ở các chi, dần dần mất vận động dẫn đến liệt một bên, liệt mềm xuất hiện đột ngột ở tay hoặc chân.
- Bệnh có thể gây liệt chi, làm người bệnh khó vận động hoặc mất vận động.
- Trường hợp nghiêm trọng bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
- Thể viêm màng não vô khuẩn: Sốt, đau đầu, đau cơ, cứng gáy.
- Thể nhẹ: Sốt, khó ngủ, đau đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, có thể phục hồi trong vài ngày.
- Thể ẩn: không biểu hiện rõ triệu chứng. Đây là thể thường gặp nhất.
5. Biến chứng bệnh bại liệt
Bại liệt là một bệnh nguy hiểm, có thể để lại các di chứng nghiêm trọng cho trẻ sau này. Trong đó, liệt là triệu chứng nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn và thậm chí tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cứ 200 ca nhiễm bệnh thì có 1 ca dẫn đến liệt không thể phục hồi và 5-10% người bị liệt sẽ tử vong.
Tuy nhiên, một số trẻ dường như đã được hồi phục hoàn toàn vẫn có thể mắc hội chứng hậu bại liệt. Xảy ra 15-40 năm sau khi nhiễm bệnh với triệu chứng như đau cơ, yếu cơ hoặc tê liệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống trong tương lai.
6. Phòng ngừa bệnh bại liệt
Hiện nay, không có cách điều trị bệnh bại liệt. Vì vậy, chủng ngừa vắc xin phòng bại liệt là biện pháp duy nhất, an toàn và hữu hiệu để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
Lịch khuyến cáo chủng ngừa bại liệt cho tất cả trẻ em là:
- 3 liều cơ bản lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng và 1 liều nhắc lại lúc 18 tháng.
- Trẻ cần phải hoàn tất toàn bộ liệu trình chủng ngừa mới có thể bảo vệ khỏi nhiễm bệnh.
Có hai loại vắc xin phòng bệnh bại liệt là vắc xin bại liệt uống và vắc xin tiêm. Trong đó, vắc xin bại liệt tiêm được phối hợp với các vắc xin khác trong cùng 1 mũi tiêm để ngăn ngừa nhiều bệnh khác. Điều này giúp giảm số lượng mũi tiêm cần thiết và làm giảm đau cho trẻ em.
Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc chủng ngừa cho trẻ cũng như các vấn đề khác về bệnh, triệu chứng bệnh và vắc xin nếu bạn quan tâm.
Tài liệu tham khảo:
1. World Health Organization: WHO. (2023c, October 24). Poliomyelitis. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/poliomyelitis (Accessed on 7th April 2024)
2. Hội Y học Dự Phòng Việt Nam. (2023). Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi ở Việt Nam (2nd ed.). Nhà xuất bản Y học.
3. What is Polio. (2023, January 9). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/polio/what-is-polio/index.htm (Accessed on 7th April 2024)
4. Australian Government Department of Health and ageing, The Australian Immunisation Handbook, 10th edition, 2013, pp.338-344 http://www.health.gov.au/internet/immunise/publishing.nsf/Content/Handbook10-home