Sởi
1. Sởi là bệnh gì? 1
Sởi là một bệnh rất dễ lây lan do vi rút Morbillivirus gây ra.
Triệu chứng đặc trưng của sởi là sốt cao, ho, chảy nước mũi, và đau mắt; sau đó là phát ban ngoài da. Bệnh sởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Hình 1: Morbillivirus (Nguồn từ http://phil.cdc.gov)
Vì vậy, tiêm ngừa vắc xin sởi là cách an toàn và hữu hiệu để bảo vệ trẻ và những người xung quanh khỏi căn bệnh này.
2. Bệnh sởi lây lan như thế nào? 2
Virus sởi rất dễ lây lan, sống trong chất nhầy ở mũi và cổ họng của người nhiễm bệnh.
Bệnh lây từ người sang người thông qua ho và hắt hơi. Bệnh sởi cũng có thể lây lan nếu như một người nào đó chạm vào một bề mặt hoặc một vật nào đó đã bị nhiễm virus, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi.
Người bị nhiễm bệnh có thể phát tán vi rút ngay trước khi họ có triệu chứng và kéo dài cho đến 4 ngày sau khi ban xuất hiện.
Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ nếu như bạn muốn biết thêm về nguy cơ mắc sởi.
3. Những ai có nguy cơ nhiễm bệnh sởi? 3
Sởi là một bệnh lý hiếm gặp ở những quốc gia có độ bao phủ vắc xin cao, nhưng một số nơi khác bệnh vẫn có thể xuất hiện. Những người chưa được tiêm vắc xin, đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên và nhân viên y tế là các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Những đối tượng khác cũng có thể có nguy cơ nhiễm sởi. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ về tình huống của bạn.
4. Triệu chứng của bệnh sởi là gì? 4
Các triệu chứng bệnh sởi thường xuất hiện từ 1 đến 2 tuần sau nhiễm virus, bao gồm sốt, mệt mỏi toàn thân, sau đó là ho, sổ mũi, đau mắt và đỏ mắt (viêm kết mạc).
2-3 ngày sau, xuất hiện những đốm trắng nhỏ như hạt vừng ở niêm mạc miệng (đốm Koplik).
3-5 ngày sau, phát ban sởi xuất hiện ngoài da ở vùng mặt và cổ, sau đó lan xuống toàn bộ những phần còn lại của cơ thể.
Hình 2: Phát ban là triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc bệnh sởi (Nguồn: Freepik, Accessed 11th June 2024)
5. Biến chứng của bệnh sởi là gì? 5
Bệnh sởi có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sởi có thể gây các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm phổi (nhiễm trùng ở phổi): nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do sởi ở trẻ nhỏ.
- Viêm tai giữa (tình trạng viêm ở tai giữa) và tiêu chảy: thường gặp
- Viêm não (tình trạng viêm ở nhu mô não): thường hiếm gặp hơn, có thể dẫn đến co giật, khiến trẻ bị điếc hoặc thiểu năng trí tuệ.
- Tử vong: gần 1-3 trong 1000 trẻ mắc bệnh sởi sẽ tử vong do các biến chứng về hô hấp và thần kinh.
Viêm não xơ hóa bán cấp là một bệnh rất hiếm gặp có thể xảy ra nhiều năm sau khi mắc sởi. Bệnh gây rối loạn thần kinh tiến triển và thường dẫn đến tử vong.
6. Cách phòng ngừa bệnh sởi 6
Bệnh sởi có thể được phòng ngừa bằng vắc xin MMR chống lại ba bệnh là sởi, quai bị và rubella.
Tại Việt Nam, vắc xin sởi được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng với lịch tiêm 2 mũi. Mũi sởi đơn tiêm ở thời điểm 9 tháng và mũi kết hợp sởi, rubella lúc 18 tháng. Ngoài ra, hiện có vắc xin phối hợp Sởi, quai bị, rubella được cấp phép có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng hoặc 12 tháng tùy từng loại vắc xin. Điều quan trọng là trẻ cần tiêm đúng lịch đủ liều để được bảo vệ khỏi bệnh này.
Hình 3: Bệnh sởi có thể được phòng ngừa bằng vắc xin (Nguồn: Freepik, Accessed 11th June 2024)
Hãy gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm về vắc xin và chủng ngừa hiệu quả cho trẻ!
Thông tin tham khảo:
1. Measles: Top things parents need to know. (2021, June 24). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/measles/about/parents-top4.html (Accessed May 2024)
2. Measles is Easily Transmitted. (2020, November 5). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/measles/transmission.html (Accessed May 2024)
3. Australian Government Department of Health and ageing, The Australian Immunisation Handbook, 10th edition, 2013, pp.267-282 http://www.health.gov.au/internet/immunise/publishing.nsf/Content/Handbook10-home (Accessed June 2013)
4. Measles signs and symptoms. (2023, November 7). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/measles/symptoms/signs-symptoms.html (Accessed May 2024)
5. Measles complications. (2022, November 28). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/measles/symptoms/complications.html (Accessed May 2024)
6. Hội Y học Dự Phòng Việt Nam. (2023). Khuyến cáo lịch tiêm chủng vắc xin cho mọi lứa tuổi